Nét đặc trưng Manga_thể_thao

Kịch bản

Yếu tố cốt lõi của một bộ manga thể thao là mô tả một môn thể thao cụ thể. Thể loại này bao hàm nhiều môn thể thao có nguồn gốc từ Nhật Bản lẫn những môn không bắt nguồn từ Nhật Bản,[1] trong đó có các môn thể thao phổ biến (ví dụ: bóng chày, bóng đá, bóng bầu dục Mỹ, đua xe đạp), các môn thể thao có vị thế tương đối và các môn thể thao ít người biết (ví dụ: đua xe đường phố, thể dục nhịp điệu, bóng bàn, bóng rổ xe lăn), và các môn khác có tính cạnh tranh và hơn thua (ví dụ như bida, shogi, mạt chược, cờ vây).[2]

Một công thức phổ biến cho các câu chuyện manga thể thao là spo-kon, một từ ghép của thể thao và konjō (n.đ 'lòng cam đảm' hoặc 'nhiệt huyết').[3] Trong những câu chuyện kiểu này, nhân vật chính thường có hoàn cảnh đáng thương nhưng nung nấu trong mình quyết tâm trở thành người "giỏi nhất thế giới" trong lĩnh vực thể thao từ khi còn bé, và rèn luyện bản thân để phát triển năng khiếu.[4][3] Nhân vật chính thường tích cực noi gương cha mình hoặc cố gắng hoàn thành mục tiêu mà cha anh hoặc cha cô chưa thể hoàn thành.[4] Thông thường, nhân vật chính tập luyện dưới sự chỉ bảo của huấn luyện viên hoặc nhân vật người cha khắc nghiệt và không nương tay trong phương pháp huấn luyện của mình. "Huấn luyện viên oni" hay "huấn luyện viên ác quỷ" là một hình tượng nhân vật phổ biến trong những câu chuyện như vậy.[3] Các công thức cốt truyện phổ biến khác có thể kể đến các nhân vật bị đánh giá thấp nhưng lại giành được chiến thắng một cách không tưởng,[5][6] và các nhân vật nghiệp dư vô tình phát hiện ra họ có thiên phú ở một môn thể thao nào đó.[5]

Manga thể thao là một thể loại khá phổ biến đối với các độc giả trẻ tuổi, đặc biệt là độc giả của shōnen manga (truyện tranh dành cho thiếu niên). Cấu trúc điển hình của một câu chuyện manga thể thao là câu chuyện dễ hiểu đối với khán giả trẻ tuổi: xung đột được lý tưởng hóa thành một sự kiện thể thao, cao trào được tạo ra thông qua hoạt động trong thể thao rồi xung đột kết thúc bằng một kết cục theo nghĩa đen hoặc ẩn dụ.[6][7] Nhà văn Paul Gravett ghi chú rằng "sau cùng, một nhân vật chính của manga thể thao nhất định phải thắng, hoặc thua trên thế thắng, để cho người đọc cảm thấy xúc động khi chứng kiến nhân vật chính vượt qua mọi thử thách với lòng quyết tâm và sự trung thực".[5]

Chủ đề và phong cách

Một khung tranh từ manga Yoban Sādo của Aoyama Gosho. Các đường tốc độ, hiệu ứng âm thanh được minh họa bằng chữ viết và độ co giãn bất thường của quả bóng để biểu thị chuyển động đều là những dấu ấn hình ảnh của manga thể thao.

Trong Manga! Manga! Thế giới truyện tranh Nhật Bản, tác giả Frederik L. Schodt lập luận rằng manga thể thao có sự khác biệt với truyện tranh thể thao của Mỹ và châu Âu khi chúng lấy chủ đề trọng tâm là cảm hứng từ võ sĩ đạo và cách mà chúng sử dụng thể thao như là "một phép ẩn dụ cho nỗ lực của con người và thử thách của tinh thần".[8] Các chủ đề phổ biến trong manga thể thao có thể kể đến tình bạn và tình hữu nghị, tinh thần đồng đội và lòng vị tha, sự kiên định và lòng quyết tâm, vượt qua gian nan khó khăn, và supokon-kei (cách viết gọn của supōtsu-konjō-kei, dịch theo nghĩa đen là 'sức mạnh ý chí trong thể thao').[9]

Thể loại này còn được chú ý nhờ các hình vẽ minh họa có tính cách điệu cao về hoạt động trong thể thao, chẳng hạn như bố cục chệch choạc, đường tốc độ, hiệu ứng âm thanh, hình vẽ mờ và được rút gọn, và khung hình theo phong cách điện ảnh.[5][9] Anime truyền hình chuyển thể năm 1968 của manga Kyojin no Hoshi được cho là tiên phong cho nhiều "hiệu ứng đặc biệt" phổ biến trong anime, chẳng hạn như thời gian ngừng trôi, giảm tốc, cận cảnh cực đại và thu hẹp màn hình trong những khoảnh khắc kịch tính.[10][11]

Giải nén tình tiết là một kỹ thuật kể chuyện phổ biến được sử dụng trong manga thể thao để tăng độ kịch tính và hồi hộp, với các cuộc tranh tài hoặc sự kiện riêng lẻ thường kéo dài hàng trăm trang.[4][5] Manga dài tập Slam Dunk được trích dẫn là đã thể hiện một mùa bóng rổ trung học kéo dài bốn tháng thành câu chuyện kéo dài sáu năm được đăng theo kỳ hàng tuần.[9]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Manga_thể_thao http://www.mangazenkan.com/ranking/books-circulati... https://books.google.ca/books?id=-s30AgAAQBAJ https://books.google.ca/books?id=E03KBgAAQBAJ https://books.google.ca/books?id=GdwJAgAAQBAJ&dq https://books.google.ca/books?id=GvEFDD4rdWMC https://books.google.ca/books?id=ThfHNyM3f-4C https://books.google.ca/books?id=dyBdDwAAQBAJ https://www.bag.admin.ch/bag/en/home/krankheiten/a... https://www.funimation.com/blog/2019/12/22/a-decad... https://www.otakuusamagazine.com/japanese-document...